Kaplan và Norton đã xuất bản bài báo đầu tiên về Thẻ điểm cân bằng (BSC) vào năm 1992. Phương pháp này đã nhanh chóng phát triển từ một hệ thống đo đường thành hệ thống quản lý chiến lược. Từ năm 1992, BSC đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau.
1. Giai đoạn 1: Kiểm soát
Tư duy của thế hệ thứ nhất giải quyết các vấn đề về quản lý kiểm soát. Với phương thức này, mục tiêu hướng tới là kiểm soát công việc chung trong tổ chức và các cá nhân làm sao để hoàn thành các công việc đặt ra. Tiếp cận về kiểm soát sẽ phù hợp trong môi trường sản xuất giản đơn, mức độ cạnh tranh thấp.
2. Giai đoạn 2: Thúc đẩy hiệu suất
Giai đoạn thứ hai được hình thành khi nhu cầu phát triển của tổ chức tăng lên và mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Việc kiểm soát và nhân sự không còn tạo ra kết quả vượt trội trên thị trường. Lúc này, bài toán đặt ra cho các nhà lãnh đạo là “làm thế nào để thúc đẩy hiệu suất của cá nhân và toàn bộ tổ chức".
Thẻ điểm cân bằng (BSC) thế hệ tiếp theo ra đời, trọng tâm là một số thước đo quan trọng. Chúng hay được gọi là KPI hoặc CSF, đây là những chỉ số hàng đầu để đo lường hiệu suất hay thể hiện kết quả công việc.
3. Giai đoạn 3: Quản lý chiến lược mang tính hệ thống
Tư duy về Thẻ điểm cân bằng thứ ba là việc thực hiện chiến lược hệ thống và bài bản. Các Thẻ điểm cân bằng chiến lược này đề cập đến những gì Kaplan và Norton đặt ra để giải quyết: chiến lược, quản lý hay thực hiện chiến lược. Với thế hệ thứ ba, BSC được thiết kế để nắm bắt chiến lược, sắp xếp các nguồn lực và tổ chức một cách có hệ thống.
4. Giai đoạn 4: Tiếp cận hướng con người và sự thích ứng
Giai đoạn thứ 4 cũng là giai đoạn hoàn thiện nhất của Thẻ điểm cân bằng là về tiếp cận con người và sự thích ứng. Hiểu đơn giản là BSC tập trung vào tính con người với một mô hình đề cao tính học hỏi. Học tập là nền tảng của tư duy Thẻ điểm cân bằng (BSC). Đồng thời, thúc đẩy quá trình tổ chức học hỏi từ chiến lược và có nhiều khả năng phản ứng hơn trước những thay đổi của môi trường.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét