Hậu trường nghề làm sếp nhận lương nghìn đô ở Việt Nam
Khám phá cuộc sống đầy áp lực song không ít nỗi buồn của các CEO mới thấy hết những hy sinh, đánh đổi của dòng nhân sự cao cấp có mức lương ít nhất 8 con số.
Tại các nền kinh tế phát triển, CEO được coi là một nghề chuyên nghiệp nhưng ở thị trường Việt Nam, nơi tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn vị trí quan trọng này lại do chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm. Tuy nhiên, dù là một CEO chuyên nghiệp hay một CEO kiêm nhiệm thì sứ mệnh là người quyết định thành, bại của công ty, đồng thời đại diện cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về tài chính và pháp luật, các CEO bắt buộc phải đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực để làm tròn vai trò của mình. Theo thống kê từ các CEO trong danh sách 500 công ty của Standard & Poor (S&P), trên thế giới, thời gian bình quân của một nhân sự bình thường thăng tiến thành CEO (TGĐ điều hành) là 16 năm. Nhưng thực tế, theo chia sẻ của nhiều CEO Việt, thời gian tôi luyện nên một CEO giỏi không có giới hạn và con số trên dưới chục năm học hỏi và rèn giũa chỉ là để một nhân sự bình thường hiểu và thực hành những công việc để trở thành một CEO mà thôi.
Tại Việt Nam, CEO được cho là ngành đem về thu nhập khủng, bên cạnh một số nghề hot như phi công, tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, nghề làm sếp không vinh quang như nhiều người vẫn nghĩ. Theo chia sẻ của một nữ CEO 3 công ty chuyên về đào tạo nhân sự tại TP.HCM, thời gian học hỏi sẽ co lại khi nỗ lực nhiều lên. “Tôi mất 6 năm để từ một chủ doanh nghiệp trở thành CEO cho 3 công ty của mình. Không được đào tạo để làm một CEO nên thời gian đầu là giai đoạn mông lung, căng thẳng, vừa làm vừa mò, những quyết định đưa ra mang tính cảm hứng, thiếu bài bản. Do áp lực, tôi từng phải bước chậm lại 1 năm, thuê người khác về làm CEO còn mình chuyên tu học và trải nghiệm. Cho tới bây giờ, thay vì 6 năm, tôi hoàn toàn có thể rút ngắn thành 1 - 1,5 năm nhưng bù lại, sẽ phải gắng sức nỗ lực gấp nhiều lần”, nữ CEO này chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận, 6 năm qua chỉ đủ để chị đảm đương vị trí CEO kiêm nhiệm ở trình độ… tàm tạm và cần thời gian nhiều hơn nữa để hoàn thiện.
Và ngay cả với những CEO được đào tạo chuyên nghiệp, trải nghiệm qua nhiều môi trường kinh doanh ở nước ngoài, khi về nước vẫn không khỏi sốc với vị trí tương đương. Một CEO ở Nhật nhiều năm được chủ doanh nghiệp kinh doanh mảng công nghệ và thương mại điện tử tại Việt Nam mời về đã buộc phải ra đi chỉ sau chưa đầy 2 năm cống hiến. Nguyên do không đến từ khả năng chuyên môn mà được anh cho biết là do “chưa học đủ để trở thành một CEO Việt”. Vị này tâm sự, “mang tiếng” là CEO nhưng không được toàn quyền thực hiện chức năng của mình mà thường phải chịu sự chi phối từ nhiều ý kiến chủ quan của một vài thành viên VIP trong HĐQT. Và điều quan trọng nhất anh nhận ra rằng ngoài mảng đối nội thì đối ngoại trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng rất khác, không thể dựa trên những nguyên tắc và kinh nghiệm trong môi trường kinh doanh trước đó. “Tôi từ chức 1 năm để đảm nhận một vị trí dễ thở hơn. Toàn bộ lương tháng của tôi hiện chỉ vừa đủ, có khi thiếu cho những ‘khóa học’ kỹ năng mềm như giao lưu với các lãnh đạo cấp cao thông qua nhiều hội nhóm của các VIP như hội tập lái trực thăng, hội tennis, hội đua thuyền… Và học phí cho những ‘khóa học’ khủng này cũng tương đương với đẳng cấp của các VIP đứng đầu những tập đoàn, tổ chức lớn”, vị này chia sẻ. Giàu tài chính nhưng nghèo thời gian, sức khỏe và hạnh phúc Theo chia sẻ của một chuyên gia săn đầu người nhiều năm kinh nghiệm ở Việt Nam, mức lương tháng hầu hết các doanh nghiệp trả cho các CEO không bao giờ dưới 8 con số. Và thực tế, rất nhiều CEO mà chị biết có mức lương 9 con số. Bên cạnh lương, nhiều CEO giỏi còn được hưởng vô vàn quyền lợi đồng hành cùng hợp đồng đầu quân cho doanh nghiệp như quyền sở hữu nhà đất, cổ phần trong công ty, những chế độ đãi ngộ đặc biệt cho bản thân và gia đình… Nhưng vấn đề lớn nhất các CEO gặp phải lại chính là khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày, thậm chí trong tháng để tận hưởng những lợi lộc ấy. “Ngày sinh viên, tôi từng ước khi có nhiều tiền sẽ đầu tư cho những sở thích cá nhân như đi du lịch, mua xe đẹp, chơi đồ hiệu. Vậy nhưng tới khi kiếm đủ để thỏa mãn tất cả thú vui ấy cũng là lúc tôi nhận ra mình không có thời gian cho chúng. Tiền vẫn vào tài khoản nhưng công việc luôn phát sinh, luôn cần mình giải quyết, thời gian cho cá nhân quá nghèo. Tôi từng chia tay 2 mối tình cũng vì không có thời gian để yêu”, CEO 30 tuổi của một công ty thương mại điện tử ở Hà Nội chia sẻ.
Áp lực công việc lớn với thời gian làm việc bất thường, không phân biệt ngày/đêm, ngày nghỉ/ngày thường nên để có sức khỏe và duy trì cân bằng cuộc sống, nhiều CEO buộc phải lên lịch tập thể dục và thư giãn cho bản thân như những nguyên tắc vàng để tồn tại. Tuy nhiên, các nguyên tắc này không phải ai cũng có thể áp dụng thành công. “Tôi thức dậy lúc 4h30 sáng mỗi ngày để tập thể dục nhưng hành động đầu tiên lại là check mail rà soát các vấn đề nóng phát sinh, tự nhủ ‘rèn luyện sức khỏe có thể kết hợp trong các trận tennis nhẹ nhàng với đối tác’. 5 phút dành cho vệ sinh cá nhân. 5 phút cho ăn sáng. Sau đó là tất cả thời gian cho vô vàn đầu việc trong ngày. Làm việc tới 20h, nhiều tối phải gặp gỡ đối tác và thường xuyên về nhà sau 21h, các con tôi đã ngủ, vợ từ lâu cũng không còn cằn nhằn chuyện giờ giấc nữa. Những lúc ấy, tôi thật sự thấy mình cô đơn và có lỗi. Nhưng sau một đêm, tất cả lại nguyên như cũ. Nhiều lần tôi cũng muốn cải tổ nhưng không có thời gian, có lẽ phải tới khi về hưu tôi mới có thể có một cuộc sống khác”, một CEO 42 tuổi tâm sự. Anh kể thêm, cách đây không lâu có nghe chuyện về một tổng giám đốc “rất dị” của một công ty chuyên về đấu thầu xây dựng. Nhờ nhân cách tốt, lèo lái công ty vượt bão kinh tế, duy trì tăng trưởng ổn định, lương thưởng và đãi ngộ nhân viên xứng đáng, vị này được cấp dưới rất quý mến. Vào ngày sinh nhật của anh, mọi người tổ chức chu đáo với hi vọng đem đến cho tổng giám đốc bất ngờ lớn. Tuy nhiên, nhân vật chính “lặn mất tăm”. Vào cuối ngày, cán bộ nhân viên nhận được “thư cảm ơn” với nội dung ngắn gọn: “Điều tôi mong ước cả năm chỉ là có 1 ngày cho riêng mình, trong không gian của mình để cân bằng lại. Cảm ơn tất cả các anh chị em! Mọi người đừng lo lắng, hiện tôi đang ở chùa”. Vậy mới thấy, với các CEO, dù giàu có nhưng thời gian, sức khỏe và hạnh phúc luôn là điều xa xỉ.
Nguồn Zing News
Bí quyết xây dựng và cải thiện văn hóa công sở
Tại sao văn hóa công sở hiện tại không phải là lý tưởng? Nó gặp phải những mâu thuẫn gì? Bạn cần tìm ra đáp án cho những vấn đề này trước khi quyết định thay đổi lại mọi thứ.
Sếp có vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa công sở. Nếu môi trường làm việc hiện tại không phù hợp với phong cách của mình cũng như nhân viên, bạn nên thay đổi nó. Tuy nhiên, văn hóa công sở không phải là điều có thể thay đổi ngay lập tức.
Dưới đây là 5 bước đơn giản bạn có thể tham khảo khi tiến hành cải cách văn hóa công sở:
Bước 1: Xác định văn hóa công sở lí tưởng
Trước tiên, bạn cần phác thảo bức tranh về văn hóa công sở mà mình muốn hướng tới. Bạn muốn một môi trường làm việc cụ thể ra sao, mọi người cư xử với nhau như thế nào, rồi quá trình khen thưởng, quy tắc, quan điểm, thái độ làm việc… Bản thân bạn cần có một cái nhìn toàn cảnh về văn hóa công sở lí tưởng trước khi thuyết phục những người khác thực hiện nó. Đây là một bước rất quan trọng trước khi tiến hành những thay đổi và cải cách cần thiết.
Bước 2: Xác định những mâu thuẫn trong văn hóa công sở hiện tại
Tại sao văn hóa công sở hiện tại không phải là lý tưởng? Nó gặp phải những mâu thuẫn gì? Bạn cần tìm ra đáp án cho những vấn đề này trước khi quyết định thay đổi lại mọi thứ. Bạn có thể phát hiện ra rằng cấp dưới của mình muốn thay đổi phong cách giao tiếp hiện tại của nhóm hoặc nhân viên đang không thấy thõa mãn với chính sách của công ty về các thủ tục làm việc phức tạp hoặc họ muốn được khích lệ một cách xứng đáng hơn… Xác định được những “ lỗ hổng” trong hệ thống sẽ là tiền đề để bạn xây dựng môi trường làm việc hoàn hảo hơn.
Bước 3: Thiết lập và thực hiện các chiến lược
Bây giờ bạn biết điều gì cần được thay đổi và đã đến lúc xây dựng và thực hiện một vài chiến lược mang đến những thay đổi đó. Hãy lên danh sách những người ủng hộ chiến lược của bạn bởi đó là lực lượng trực tiếp thực hiện cũng như tiếp nhận những thay đổi. Bạn cần sự ủng chi tiết tham khảo hộ của số đông và để làm được điều đó, bạn phải đảo bảo rằng những chiến lược của mình mang tới giá trị thiết thực. Tuy nhiên trước tiên, một người sếp như bạn cần thể hiện là một tấm gương về sự trung thực, chính trực, dũng cảm và thực hiện đúng trách nhiệm cá nhân.
Bước 4: Sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết
Mặc dù bạn đã nỗ lực lập ra một kế hoạch thật hoàn hảo nhưng đôi khi có những việc xảy ra không như y muốn. Vào những lúc như vậy, bạn cần hành động theo tinh thần xây dựng để những yếu tố đó không ảnh hưởng tới kế hoạch tổng thể của bạn. Hãy xem xét lại tình huống, cân nhắc thật kĩ xem liệu chiến lược của bạn có thực sự hoàn hảo 100% và điểu chỉnh cho phù hợp nếu cần thiết.
Bước 5: Tiếp tục phát triển
Văn hóa công sở không phải là điều có thể thay đổi chỉ trong một sớm một chiều. Các nhà lãnh đạo phải học cách kiên nhẫn và quan sát những thay đổi xảy ra từ từ. Công ty tiếp tục thay đổi, phát triển không ngừng và văn hóa công sở cũng phát triển một cách tương ứng. Vì vậy, hãy không ngừng cố gắng xây dựng một văn hóa công sở ngày càng hoàn thiện hơn.
Quantri.Vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét